Bé có thể hỏi cha mẹ hoặc các cô giáo các câu hỏi đại loại như: Tại sao cái này nổi, cái kia chìm? Tại sao các bạn hát trên ti vi thì con nghe thấy mà con nói các bạn không nghe thấy? Tại sao có nước màu trắng, có nước màu đỏ, màu vàng…? tại sao nước đường ngọt, nước muối mặn?…
Thông thường những câu trả lời trực diện của người lớn không thỏa mãn được tính tò mò của trẻ. Nghe được câu trả lời trẻ sẽ băn khoăn hỏi lại: tại sao lại thế? Sao lại như vậy? Chính điều này đã làm cho phụ huynh và ngay cả các cô giáo mầm non nhiều khi rát lúng túng và lo lắng.
Vậy làm thế nào để giải tỏa những lung túng và lo lắng ấy? Chắc hẳn, nhiều người sẽ cho rằng đọc sách tìm hiểu thêm thông tin để có thể giải đáp thắc mắc cho trẻ sẽ là phương án tối ưu. Nhưng thực tế thì không phải vậy, vì kho tàng tri thức là vô hạn, đôi khi những điều chúng ta rất muốn nhưng không thể làm được vì “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa cách giải đáp trực tiếp sẽ vô hình chung tạo cho con trẻ thói quen ỷ lại vào người lớn, không biết thì hỏi chứ không chịu tìm hiểu. Mặt khác, cách giải thích của người lớn thường không thỏa mãn được trẻ.
Để giải quyết tình huống này các bậc phụ huynh và cô giáo mầm non phải hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ. Phải tôn trọng và quan tâm thực sự tới những câu hỏi, thắc mắc của trẻ, coi đó là nhu cầu không thể thiếu của trẻ giống như những nhu cầu được yêu thương, chăm sóc. Vì đây chính là nhu cầu được khám phá, tìm tòi. Tuy nhiên, cho trẻ khám phá như thế nào? Làm thế nào để trẻ được thỏa mãn trí tò mò mà không bị luẩn quẩn với các câu hỏi: Tại sao? Như thế nào?…Không có cách nào khác chúng ta hãy cho trẻ được hoạt động và khi tổ chức cho trẻ được hoạt động chúng ta hãy giành thế chủ động, hãy đặt ngược câu hỏi lại cho trẻ, với các tình huống cụ thể để trẻ tự tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Tại sao? Làm thế nào? Chuyện gì xảy ra nếu?…
Chúng ta không nên quá cường điệu về cụm từ: “Khám phá khoa học”. Với trẻ mầm non chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc cho trẻ tiếp cận với những tri thức tiền khoa học, nên hãy cùng trẻ khám phá, tìm hiểu từ những gì gần gũi với trẻ nhất. Hãy lắng nghe và quan tâm đến mong muốn của trẻ chúng ta sẽ biết phải làm thế nào.
Hãy cho trẻ được tham gia khám phá những thí nghiệm nho nhỏ gần gũi với trẻ. Để làm được điều này, việc chuẩn bị đồ dùng thí nghiệm là cần thiết. Tuy nhiên, đồ dùng thí nghiệm của trẻ mầm non không nên quá hiện đại, cầu kỳ mà nên chuẩn bị những đồ dùng đơn giản, gần gũi với trẻ có thể sáng tạo, đúng như Mareie Oltman cộng tác viên về giáo dục môi trường ở lứa tuổi mầm non của Minne sota Children’s Museum đã từng nói: “Đồ chơi càng đẹp, càng hào nhoáng bao nhiêu thì nó càng được ít chơi bấy nhiêu. Điều quan trọng đối với trẻ chính là sự cân bằng giữa số đồ chơi có mục đích và số đồ chơi sáng tạo (những đồ vật có thể biến bất kỳ thứ gì tuỳ theo trí tưởng tượng của trẻ)”.
Khi đã hiểu trẻ, chúng ta sẽ chuẩn bị những đồ dùng, đồ chơi phù hợp với nhận thức, mong muốn được khám phá của trẻ, cũng như tạo ra những tình huống cho trẻ khám phá một cách hợp lý.
Chẳng hạn, với 1 bình nước không đầy, 1 cái khay, 1 ít sỏi, 1 chút bong, 1 chút hạt xốp. Hãy đưa ra tình huống cho trẻ là làm thế nào để lấy được nước trong bình ra khay mà không cần dụng cụ múc nước, hút nước, không nghiêng bình rót nước mà chỉ được dùng những đồ dùng, nguyên liệu đã chuẩn bị. Sau khi trẻ đưa ra ý tưởng thì cho trẻ hoạt động luôn sau đó giải thích từ kết quả có được sau hoạt động. Cách gợi ý cho trẻ của người lớn cũng cần nhẹ nhàng, tự nhiên. Chẳng hạn trong tình huống này trẻ loay hoay mãi không tìm được đáp án, hãy kể cho trẻ nghe câu chuyện chú quạ khát nước đã biết thả từng viên sỏi vào chum nước cạn…Như vậy, một cách nhẹ nhàng chúng ta đã cho trẻ làm quen và khám phá thí nghiệm: Vật thấm nước – vật không thấm nước.
Hay với những chai nước màu trắng, bên cạnh đó là những nguyên liệu như: Đường, muối, cát, sỏi, xốp, màu nước, sáp màu giấy vụn…Hãy đặt cho trẻ tình huống khi cho những nguyên liệu đó vào nước thì hiện tượng gì xảy ra? Sau khi cho trẻ thực hành, ta sẽ có được câu trả lời, giải thích thú vị từ trẻ và đó là cách cho trẻ tiếp cận và thực hành với các thí nghiệm: Tan – không tan; vật chìm – vật nổi; nước đổi màu. Bên cạnh đó, các thí nghiệm, hoạt động khám phá như: Sự kỳ diệu của kính lúp, nam châm; thí nghiệm động nước; sự bốc hơi; tạo cầu cầu vồng bảy sắc, thổi bong bong, thổi màu cũng là những hoạt động trẻ rất thích và phù hợp với mong muốn nhận thức của trẻ.
Ở trường mầm non có rất nhiều hoạt động tập thể của bé và các bạn trong đó có hoạt động chơi và hoạt động học. Trong hoạt động học khi cho trẻ khám phá về những sự vật hiện tượng xung quanh theo các chủ để, chủ điểm như: Thế giới thực vật; Thế giới động vật; Trường mầm non…hãy tận dụng để cho trẻ được thảo luận trao đổi theo nhóm, tự đặt câu hỏi cho nhau để khám phá. Chẳng hạn, khi cho trẻ tìm hiểu về các loại quả hãy đưa các loại quả về cho các nhóm quan sát, tìm hiểu theo nhóm, mỗi nhóm 1 loại quả. Các nhóm sẽ tự tìm hiểu về quả đó: Đặc điểm, cách ăn, vị…Sau đó từng nhóm nói cho các bạn nghe về những gì mình vừa quan sát thảo luận về quả đó, các nhóm còn lại có thể đặt câu hỏi đê nhóm bạn trả lời. Giáo viên chỉ là người điều khiển, đưa ra các tình huống cho trẻ hoạt động.
Khi cho trẻ tìm hiểu về thế giới tự nhiên, thì ngoài việc tổ chức cho trẻ khám phá, tìm hiểu theo nhóm trong lớp học, ta có thể tận dụng điều kiện sẵn có của gia đình, nhà trường và địa phương để cho trẻ tìm hiểu, khám phá, tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên. Trẻ sẽ rất hứng thú khi được tham gia trồng cây, chăm sóc và theo dõi quá trình phát triển của các loại cây cảnh, rau và hoa trong vườn, ở đó trẻ cũng được tri giác trọn vẹn những đặc điểm nổi bật của các loại cây, hoa trẻ thích. Chính điều đó sẽ làm cho trẻ thêm yêu thiên nhiên, nhận ra vẻ đẹp từ thiên nhiên.
Khi trẻ được hoạt động, trẻ sẽ tự tin tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà trẻ từng băn khoăn rằng: Tại sao lại thế này mà không là thế kia hay chuyện gì xảy ra nếu…mặc dù cầu trả lời trẻ tìm được đôi khi rất ngô nghê nhưng trẻ lại cực kỳ thích thú giống như vừa phát hiện ra một sự kiện vĩ đại và trẻ thấy hài lòng vì điều đó. Như vậy, hãy cho trẻ được hoạt động, hãy thoả mãn nhu cầu được khám phá tìm tòi và sáng tạo của trẻ. Hãy tạo tình huống và kích thích trẻ tự đi tìm câu trả lời, trẻ sẽ không bị vướng vào vòng luẩn quẩn của những câu hỏi: Tại sao? Vì sao? Như thế nào?…